Khi mở công ty thì việc quan trọng hàng đầu là lựa chọn đúng loại hình công ty phù hợp với mục tiêu kinh doanh và phải phù hợp với các điều kiện theo quy định của pháp luật. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng, vì vậy nên các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp nên tìm hiểu và nắm rõ các đặc điểm về các loại hình doanh nghiệp, công ty trong buổi đầu khởi nhiệp. Bởi lẽ, một khi đã lựa chọn thành lập loại hình doanh nghiệp nào thì quyền và nghĩa vụ của mình, tổ chức do mình thành lập sẽ gắn liền với loại hình doanh nghiệp đó.
1. Khái niệm về doanh nghiệp
Theo khoản 10, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 định nghĩa: “doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Pháp luật Việt Nam hiện nay ghi nhận các loại hình doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH từ hai thành viên trở lên, Công ty cổ phần và Công ty hợp danh. Khi thành lập doanh nghiệp Nhà nước sẽ công nhận tư các pháp nhân của doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân), có tài sản – trụ sở riêng, có cơ cấu tổ chức và được nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Tư cách pháp nhân của doanh nghiệp là tư cách pháp lý của tổ chức được Nhà nước trao cho để thực hiện một số quyền và nghĩa vụ một cách độc lập nhất định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Còn đối với Công ty thì pháp luật Việt Nam hiện nay quy định tại khoản 6, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau: “Công ty bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh”. Như vậy, có thể thấy rằng chỉ những những doanh nghiệp có tư cách pháp nhân mới được gọi là công ty và công ty là tập hợp những doanh nghiệp được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân khi thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo thống kê, các doanh nghiệp được thành lập phần lớn là các công ty, như công ty TNHH, công ty cổ phần. Đối với hoại hình Công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân thường ít được các nhà đầu tư lựa chọn.
2. Các loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam
2.1. Công ty TNHH
Tại khoản 7, Điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên”. Việc phân chia loại hình công ty TNHH này chủ yếu dựa trên đặc điểm về số lượng thành viên góp vốn thành lập công ty.
2.1.1. Công ty TNHH một thành viên
– Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ đã góp vào công ty.
– Công ty TNHH một thành viên được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Công ty TNHH một thành viên không được phát hành cổ phần, nhưng được phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật.
– Về cơ cấu tổ chức quản lý:
+ Công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình như sau:
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có mô hình tổ chức gồm: Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
+ Việc lập Ban kiểm soát của Công ty do Công ty tự quyết định (trừ trường hợp là doanh nghiệp nhà nước). Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, tiêu chuẩn, điều kiện, miễn nhiệm, bãi nhiệm, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên thực hiện tương ứng theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
– Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH một thành viên: Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
2.1.2. Công ty TNHH hai thành viên trở lên
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có ít nhất từ 02 thành viên (có thể là cá nhân hoặc tổ chức) cùng nhau góp vốn để mở công ty TNHH hai thành viên trở lên. Công ty TNHH hai thành viên chỉ được phép có tối đa 50 thành viên cùng góp vốn. Các thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020. Các thành viên công ty có thể được chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên công ty khác, hoặc chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
– Công ty TNHH hai thành viên được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Công ty TNHH hai thành viên không được phát hành cổ phần, nhưng được phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật.
– Về cơ cấu tổ chức quản lý: Công ty TNHH hai thành viên trở lên có cơ cấu tổ chức gồm: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc/Tổng Giám đốc.
+ Việc lập Ban kiểm soát của Công ty do Công ty tự quyết định (trừ trường hợp là doanh nghiệp nhà nước). Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, tiêu chuẩn, điều kiện, miễn nhiệm, bãi nhiệm, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên thực hiện tương ứng theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
– Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
2.2. Công ty Cổ phần
– Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
+ Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
+ Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
+ Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty;
+ Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp bị hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần theo quy định của pháp luật.
– Công ty cổ phần được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty để huy động vốn theo quy định của pháp luật.
– Về cơ cấu tổ chức quản lý: Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
+ Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.
+ Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.
– Người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần: Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
2.3. Công ty hợp danh
– Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
+ Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
+ Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
+ Thành viên góp vốn có thể là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
– Công ty hợp danh được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
2.4. Doanh nghiệp tư nhân.
– Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của Công ty. Có nghĩa là cá nhân – chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân phải chịu mọi khoản nợ của Công ty, kể cả phần nghĩa vụ tài sản vượt quá số vốn điều lệ của công ty.
– Do tài sản của doanh nghiệp tư nhân không có tính độc lập với chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân nên không được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân.
– Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào (bao gồm trái phiếu, cổ phiếu) để huy động vốn.
– Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh theo quy định của pháp luật.
– Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
– Về quản lý doanh nghiệp tư nhân:
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia các giao dịch theo quy định của pháp luật.
3. Lựa chọn loại hình doanh nghiệp khi mở Công ty
Hiện nay, loại hình Công ty TNHH và Công ty cổ phần đang là những loại hình doanh nghiệp được lựa chọn đầu tư, thành lập nhiều nhất tại Việt Nam. Do hai loại hình này các chủ sở hữu công ty chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn tương ứng với tỉ lệ phần vốn góp của mình trong Công ty. Thế nhưng tùy thuộc vào mục tiêu kinh doanh cụ thể mà các chủ doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến tư vấn của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất.
LỜI KẾT
Trên đây là những chia sẻ của Luật An Thiện Minh về các loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi kiến nghị Quý khách hàng nên sử dụng gói dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên của các đơn vị cung cấp pháp lý chuyên nghiệp để có được sự hỗ trợ đồng bộ, trọn vẹn và ưu việt nhất đối với mọi vấn đề pháp lý của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và phát triển.